Thể Thao 247 - Hàng loạt xe mới hoãn lịch ra mắt trong khi các mẫu xe đang bán biến động mạnh về giá trong bối cảnh thị trường ô tô có doanh số giảm sút.
Xe mới bị chặn cửa về Việt Nam
Nghị định 116/2017/NĐ-CP được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 17/10 quy định chặt chẽ điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô của các đơn vị sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Theo Nghị định, trong mỗi lô xe nhập khẩu về cảng đều phải chọn ra một chiếc để kiểm định.
Các nhà nhập khẩu lên tiếng rằng, điều này khiến phát sinh thêm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp, và họ cho rằng đây là việc làm không cần thiết. Bên cạnh đó, VAMA đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ vào ngày 25/10, cho biết hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi quy định mới.
Thực tế, hàng loạt xe mới bị trì hoãn ra mắt như Toyota Wigo, Toyota Fortuner phiên bản mới hay một mẫu xe sang Nhật Bản khác cũng được tiết lộ là phải hoãn lịch giới thiệu vì Nghị định 116.
Xe trong nước biến động giá khó lường
Trong khi các xe mới chưa thể về đại lý vì vướng thủ tục thì các mẫu xe đang bán liên tục được điều chỉnh giá lên/xuống thất thường.
Cụ thể, xu hướng giảm giá xe dồn dập diễn ra trong những tháng gần đây. Mức giảm từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Đáng chú ý, lần đầu tiên Toyota giảm giá bán lẻ hàng loạt mẫu xe CKD trong hai tháng 10 và 11, trong đó gồm cả mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam là Vios.
Có những mẫu xe giảm giá hơn 200 triệu đồng như Mitsubishi Pajero Sport thế hệ mới và Pajero kiểu dáng cũ. Bất ngờ hơn, mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Đức là Volkswagen Touareg có mức giảm gần 400 triệu đồng sau hai lần giảm giá kể từ tháng 6.
Trong khi đó, ông lớn THACO đi ngược lại thị trường khi tăng giá một số mẫu xe Mazda, mức tăng từ 10-20 triệu đồng. Đại diện THACO cho biết việc điều chỉnh giá là dựa vào diễn biến kinh doanh của thị trường cũng như chính sách của công ty. Trước đó, họ đã từng khẳng định rằng giá xe Mazda và Kia đã xuống đáy.
Thị trường xe sụt giảm mạnh
Những biến động của thị trường xe mới cũng như giá bán của xe hiện hành đang diễn ra trong bối cảnh doanh số toàn thị trường giảm sút.
Theo thường lệ, cuối năm là thời điểm mua sắm nhộn nhịp nhất. Doanh số bán hàng trong khoảng thời gian này thường khởi sắc. Lượng ô tô bán ra trong nửa cuối năm 2016 tăng đều, mặc dù mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có thay đổi lớn kể từ tháng 7. Theo thống kê của VAMA, doanh số xe lắp ráp (CKD) năm 2016 tăng 32% so với cùng kỳ năm 2015, xe nhập khẩu (CBU) tăng 5%.
Trái ngược lại, trong 4 tháng gần đây, doanh số của các thành viên VAMA cầm chừng và có dấu hiệu đi xuống trong dịp cuối năm. Số xe bán ra tính từ đầu năm đến nay sụt giảm hơn 2.000 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp các chương trình ưu đãi, giảm giá tới hàng trăm triệu đồng.
Số liệu thống kê của VAMA cho thấy, số lượng xe du lịch và xe thương mại bán ra trong tháng 9 đều giảm 7% so với tháng trước. Xét riêng xe CBU, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tháng 9 có khoảng 5.000 xe được đưa về nước, đạt giá trị kim ngạch 132 triệu USD, giảm mạnh cả lượng và giá trị so với tháng 8 (8.000 chiếc, giá trị 188 triệu USD).
Theo chuyên gia, nguyên nhân của sự tăng trưởng âm đến từ tâm lý chờ đợi thuế nhập khẩu trong khu vực ASEAN giảm về 0% kể từ ngày 1/1/2018 (đối với các mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40%). Đó cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc loạn giá trên thị trường xe hơi trong nước.
Bên cạnh đó, nhiều mẫu xe mới đang chờ ra mắt cũng như đã được giới thiệu tại hai triển lãm ô tô lớn nhất năm, đặc biệt là các dòng xe phổ thông, để thăm dò thị trường và có khả năng bán ra trong năm sau cũng là yếu tố khiến người tiêu dùng chưa muốn xuống tiền mua xe trong thời điểm này.
Thị trường ô tô Việt Nam vẫn được kỳ vọng khởi sắc trở lại khi bước sang năm 2018 với hàng rào thuế nhập khẩu giảm xuống và các chính sách trở nên rõ ràng hơn. Và để chuẩn bị cho "giờ G" đó, các hãng đã kịp thời thăm dò phản ứng khách hàng bằng hàng loạt sản phẩm chiến lược tại hai kỳ triển lãm lớn nhất.
Vốn là nơi xây dựng thương hiệu nhưng VMS 2017 và VIMS 2017 lại được coi là hai phiên chợ cuối năm bởi lượng ô tô mới ồ ạt được đưa về nước. Xe bình dân có, xe sang có, nhưng điều mà đại đa số người tiêu dùng Việt quan tâm nhất là những mẫu xe tầm trung và giá rẻ, hầu hết đến từ Nhật Bản.
Các mẫu xe phổ thông như Toyota Wigo, Toyota Avanza, Suzuki Celerio hay Honda Jazz mặc dù chưa được công bố giá bán nhưng đã thu hút lượng quan tâm đông đảo. Trong số đó, xe Wigo từng được đại lý hé lộ giá từ 310 triệu đồng, hứa hẹn sẽ tạo sự cạnh tranh khốc liệt với hai mẫu xe Hàn Quốc là Hyundai Grand i10 và Kia Morning.
Phân khúc SUV 7 chỗ tầm trung cũng sôi động không kém bởi sự góp mặt của các mẫu xe như SsangYong Rexton G4, Chevrolet Trailblazer hay sắp tới đây là Peugeot 5008 và Volkswagen Tiguan Allspace. Mẫu crossover Honda CR-V chuẩn bị ra mắt với phiên bản 7 chỗ ngồi, động cơ tăng áp. Trong khi đó, mẫu xe bán chạy nhất phân khúc Mazda CX-5 thế hệ mới cũng bị bắt gặp trên đường thử, hứa hẹn ngày ra mắt không xa.
Ở phân khúc xe hạng sang, Lexus LS500h 2018, JLR Range Rover Velar hay Porsche Cayenne 2018 đều là những mẫu xe mới có nhiều đột phá về thiết kế lẫn công nghệ.
Theo: Trithuctre