Thể Thao 247 - Trong khi một số DN ô tô FDI kêu ca phải hủy đơn hàng xe nhập khẩu do vướng mắc quy định mới, thì DN ô tô trong nước lại khẳng định, xe nhập ngoại vẫn về bình thường, không bị ách tắc gì, giá không tăng.
Xe nhập tăng giá?
Một loạt DN ô tô có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho biết đã quyết định hủy đơn hàng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về Việt Nam vào đầu năm 2018. Theo các DN này, đến hết tháng 2/2018, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc chưa thể về Việt Nam.
Lý do là nhiều DN chưa đáp ứng kịp những điều kiện mới đặt ra trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ 17/10/2017.
Theo quy định, các DN nhập khẩu xe phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài. Thông thường ở các nước, cơ quan này chỉ cấp giấy chứng nhận chất lượng cho xe bán ra trong nước, không cấp cho xe xuất khẩu. Đến nay, nhiều DN vẫn chưa xin được chứng nhận này.
Trên thị trường, hiện một số mẫu xe nhập khẩu đã bị đẩy giá tăng. Chẳng hạn như mẫu Fortuner của Toyota Việt Nam, nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, nếu khách hàng mua vào thời điểm này sẽ phải cộng thêm 40 triệu đồng nữa.
Một số nguồn tin, từ đại lý bán xe của các DN FDI còn dự báo, xe nhập sẽ khan hiếm đến sau Tết. Vì vậy, nhiều mẫu xe có thể tiếp tục bị đội giá.
Tuy nhiên, ngược lại các DN ô tô trong nước như Trường Hải, Hyundai Thành Công lại khẳng định, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vẫn về Việt Nam bình thường, không hề gặp vướng mắc gì.
Ông Bùi Kim Kha, Phó tổng giám đốc Kinh doanh xe du lịch, Công ty Ô tô Trường Hải, cho biết, Nghị định 116/2017-NĐ-CP có hiêu lực từ 17/10/2017. Tuy nhiên, đối với hoạt động kinh doanh nhập khẩu được thực hiện theo quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2017. Như vậy, khi Nghị định ban hành cho đến khi có hiệu lực, DN nhập khẩu hoàn toàn có thể đưa hàng về cảng trước ngày 31/12/2017.
Do đó, không thể có trường hợp xe nhập bị ùn tắc tại cảng và không đăng kiểm được. Hiện nay, Trường Hải vẫn đang nhập khẩu các mẫu xe như Mazda 2, Mazda BT 50, Kia, Peugeot về Việt Nam, không hề gặp vướng mắc gì.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Hyundai Thành Công, cũng cho biết, các mẫu xe Hyundai nhập về Việt Nam cũng diễn ra bình thường.
“Ngay khi Nghị định 116 được ký ban hành, chúng tôi đã làm việc với tập đoàn Hyundai Hàn Quốc. Phía Hyundai Hàn Quốc hoàn toàn đồng ý và cam kết sẵn sàng cung cấp đầy đủ các giấy tờ theo quy định mới của Việt Nam, kể cả giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại ô tô nhập khẩu, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Hàn Quốc”, ông Đức nói.
Xe nội cũng đòi công bằng
Vừa qua, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng bày tỏ quan ngại về một số quy định mới trong Nghị định 116/2017 NĐ-CP, chẳng hạn là quy định về ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu. Khi thử nghiệm, DN phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại ô tô nhập khẩu, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài.
Theo VAMA, giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu không tồn tại ở nhiều quốc gia. Một số nước có thể cấp, nhưng hệ thống tiêu chuẩn và đăng kiểm không giống với hệ thống ở Việt Nam. Chẳng hạn như khác biệt về vị trí ngồi lái xe, tiêu chuẩn khí thải, hay các đặc điểm kỹ thuật khác,... nên Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể sẽ không chấp nhận.
Tuy nhiên, phía DN ô tô trong nước lại không đồng tình với ý kiến trên. Ông Bùi Kim Kha cho rằng, những nội dung trong Nghị định 116/2017 NĐ-CP là hợp lý.
Tất cả xe nhập khẩu về Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đang áp dụng tại Việt Nam, do đó, trước khi thực hiện nhập khẩu một kiểu loại ô tô, DN phải kiểm tra, đối chiếu với các quy định kỹ thuật hiện hành. Vì vậy, không thể xảy ra trường hợp xe nhập về có sự khác biệt về vị trí ngồi lái xe, tiêu chuẩn khí thải, hay các đặc điểm kỹ thuật khác, giữa những xe bán ở các thị trường khác nhau.
Việc cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là bằng chứng rõ ràng về chất lượng của ô tô nhập khẩu, nhằm hạn chế ô tô kém chất lượng từ nước ngoài, bảo vệ người tiêu dùng và đồng thời cũng tạo sự bình đẳng với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Hiện nay, với sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, mỗi kiểu loại ô tô phải thực hiện các bước: Thiết kế, thử nghiệm mẫu, thử nghiệm và chứng nhận chất lượng linh kiện, thử nghiệm khí thải, đánh giá điều kiện xuất xưởng. Các nội dung này phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá, thử nghiệm xác nhận hàng năm (trừ thiết kế).
Sau khi kiểu loại ô tô đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng, mỗi chiếc ô tô trước khi xuất xưởng phải được kiểm tra sự phù hợp các linh kiện (gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, kính an toàn, lốp,... ) so với sản phẩm mẫu, kiểm tra từng ô tô trên dây chuyền thiết bị. Nếu mỗi ô tô đó không có chứng nhận an toàn về linh kiện thì sẽ không được cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu xuất xưởng.
Trong khi đó, đối với ô tô nhập khẩu, việc kiểm tra chất lượng linh kiện lắp đặt trên xe, giống như xe sản xuất lắp ráp, là điều không thể thực hiện được. Do đó, giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là cơ sở đảm bảo cho linh kiện, hệ thống, các tổng thành trên xe, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Đây cũng là một trong các căn cứ để cơ quan kiểm tra chất lượng tiến hành kiểm tra và chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, theo quy định hiện hành.
Việc kiểm tra chất lượng đối với từng lô là cần thiết, nếu chỉ kiểm tra, thử nghiệm các lô xe đầu tiên và không kiểm tra các lô xe tiếp theo, thì không thể kiểm soát được chất lượng. Linh kiện, kết cấu thùng hàng, kết cấu xe, có thể sẽ bị thay thế với chất lượng kém, không đảm an toàn.
“Chúng tôi cũng kinh doanh ô tô nhập khẩu, cũng phải chịu những quy định như các DN khác, nếu có khó khăn đó là khó khăn chung. Nhưng quy định mới như vậy là hợp lý và tạo ra sự bình đẳng với ô tô sản xuất trong nước”, ông Kha nhấn mạnh.
Theo: VNN