Quảng cáo

TP.HCM sẽ khống chế xe Grab, Uber

Anh Mỹ Anh Mỹ
Thứ hai, 13/02/2017 11:43 AM (GMT+7)
A A+

Thể Thao 247 - Việc khống chế sẽ được thực hiện bằng cách quy hoạch, xác định tối đa số lượng ô tô dưới chín chỗ tham gia kinh doanh và cấp phù hiệu hoạt động.

“Chúng tôi kiến nghị khống chế lượng ô tô dưới chín chỗ sử dụng công nghệ quản lý và kết nối hành khách tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng” - ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết.


“Vỡ trận”, mất kiểm soát

Trước đây, Pháp Luật TP.HCM có bài “Taxi “dàn trận”” phản ánh tình trạng taxi phát triển chóng mặt, tiềm ẩn nguy cơ gây kẹt xe cho TP.HCM. Từ đó Sở GTVT kiến nghị tạm ngừng tăng thêm taxi. Năm 2010 TP.HCM đã khống chế tăng thêm số lượng đầu taxi. Từ đó đến nay đầu taxi truyền thống được khống chế từ hơn 12.650 xe xuống còn 11.060 chiếc.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2014 taxi Uber vào Việt Nam và kế đến là taxi Grab thì số lượng taxi (trong đó chủ yếu là taxi công nghệ) tăng chóng mặt.

“Cuối năm 2016 Sở GTVT đã cấp phù hiệu xe hợp đồng cho các xe từ chín chỗ trở xuống khoảng 17.000 chiếc. Đến nay, qua ghi nhận chúng tôi thấy lượng ô tô chở khách dưới chín chỗ (Grab, Uber, taxi truyền thống...) tăng trưởng quá nóng, vào khoảng 28.000 chiếc. Cùng với số taxi truyền thống thì quy hoạch taxi ở TP.HCM đã bị phá vỡ” - một cán bộ Sở GTVT cho biết.

Hệ quả là tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM càng gia tăng nghiêm trọng. Theo ghi nhận của PV, dòng ô tô, chủ yếu là ô tô dưới chín chỗ đông đặc trên các trục đường như Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn (quận 1)… Ngoài ra, Trung tâm An ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất cũng “phàn nàn” vì áp lực ùn tắc trong sân bay, trong đó có phần không nhỏ của taxi Uber, Grab.

Sẽ kiểm soát chặt

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho hay: “Các xe chở khách dưới chín chỗ theo hợp đồng điện tử như Uber, Grab hoạt động không khác gì taxi. Việc Grab, Uber phát triển thoải mái về số lượng đã phá vỡ quy hoạch taxi, tạo ra sự không công bằng về chính sách đối với taxi truyền thống”.

Sở GTVT TP.HCM nhìn nhận hơn 28.000 xe hoạt động như taxi ở TP.HCM là quá lớn. Trong đó, các xe hợp đồng điện tử như Grab hay Uber phát triển với số lượng rất lớn đã ảnh hưởng rất lớn đến giao thông của TP.HCM. Do vậy, Sở GTVT kiến nghị TP.HCM khống chế số lượng ô tô dưới chín chỗ tham gia kinh doanh vận tải hành khách (như Uber, Grab).

Được biết UBND TP cũng đồng tình với đề xuất này và đã kiến nghị với Thủ tướng cho phép TP.HCM được quyết định khống chế số xe Grab, Uber. “Các xe kinh doanh vận tải hoạt động hợp pháp khi được cấp phù hiệu. Do vậy việc khống chế sẽ được thực hiện bằng cách quy hoạch, xác định tối đa số lượng ô tô dưới chín chỗ tham gia kinh doanh vận tải hành khách và cấp phù hiệu hoạt động” - ông Minh giải thích thêm.

Phạt nhiều xe không có giấy phép kinh doanh vận tải

Mới đây, Bộ GTVT đã bác đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Uber. Bộ GTVT yêu cầu Uber Việt Nam không cung cấp, phối hợp với các chủ xe, doanh nghiệp vận tải để kinh doanh vận tải trái với quy định cho tới khi hoàn thiện các thủ tục hoạt động.

Theo Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, thời gian qua đơn vị phối hợp xử lý nhiều ô tô con dùng phần mềm của Uber hoạt động không đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, các xe hợp đồng, ô tô cá nhân không có giấy phép kinh doanh vận tải và chưa được cấp phù hiệu thông qua ứng dụng Uber để chở khách thu tiền. Do vậy, nếu đề án được thông qua thì lượng taxi Uber còn có khả năng gia tăng mạnh.

7.000 là số ô tô dưới chín chỗ gia nhập một hợp tác xã vận tải ở TP.HCM để tham gia chở khách (chủ yếu là Grab, Uber). Chỉ trong một thời gian ngắn, hợp tác xã trên đã có được số đầu xe vượt quá kỳ vọng của các hãng taxi, kể cả các hãng tên tuổi nhất trong nước. Con số này vượt hẳn tổng số xe của Vinasun là khoảng 6.000 xe, trong đó có 4.000 xe hoạt động ở TP.HCM.

Theo: Pháp luật TPHCM

grab uber grab taxi grab bike grab car uber car uber bike hạn chế uber grab
Xem thêm