Thể Thao 247 - Sau thương mại điện tử (Alibaba), mạng xã hội (Tencent) và smartphone (Huawei), có vẻ như Trung Quốc đang tìm kiếm một vài gương mặt sáng giá nhất trong số 80 hãng xe nội địa để giúp cá chép hóa rồng, vươn rộng cánh tay ra tầm khu vực.
Nhanh chóng trở thành thị trường tiêu thụ ô tô nhiều nhất thế giới nhờ số dân đông đúc (vượt xa những quốc gia từng nắm giữ vị trí số 1 như Mỹ hay Đức trước kia) nhưng Trung Quốc vẫn thiếu cho mình một thương hiệu với hình ảnh và tầm vóc toàn cầu, một thương hiệu có thể sánh ngang với những Audi, BMW, Mercedes-Benz hay thậm chí cả General Motors danh tiếng.
Ngay cả khi các hãng xe Trung Quốc vẫn đứng đầu về doanh số bán xe mới tại quốc gia này, họ cũng không thể vươn tầm ảnh hưởng của mình ra rộng hơn, xa hơn. Thậm chí, các thương hiệu quốc tế vẫn tìm được chỗ đứng khá vững chắc cho mình tại Trung Quốc, qua đó phần nào mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tới quốc gia này.
Tuy vậy, rất có khả năng nền công nghiệp ô tô tại Trung Quốc đang đứng trước cột mốc chuyển mình mới. Các chính sách và quyết tâm của chính quyền dưới thời Thủ tướng Tập Cận Bình trong việc kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu phụ thuộc vào dầu nhập khẩu có thể mang lại những hiệu ứng bất ngờ cho thị trường tại đây.
Các quy định môi trường khắt khe và các biện pháp khuyến khích sản xuất ưu tiên cho dòng xe điện hoàn toàn có thể đẩy nhanh tiến độ ra đời của một thương hiệu EV toàn cầu – một "niềm hy vọng" mới cho Trung Quốc trong quá trình chinh phục thị trường quốc tế.
Trước đó, chính phủ Trung Quốc cũng đã tỏ ra khá "mát tay" khi đem lại những ưu thế lớn cho các tập đoàn Trung Quốc ở các mảng thương mại điện tử (Alibaba), mạng xã hội (Tencent) và smartphone (Huawei). Giờ, có vẻ như họ đang tìm kiếm một vài gương mặt sáng giá nhất trong số 80 hãng xe nội địa để giúp cá chép hóa rồng, vươn rộng cánh tay ra tầm khu vực.
"Với sự phát triển của xe điện thông minh, các hãng xe Trung Quốc đang đứng trước cơ hội tuyệt vời để giới thiệu thương hiệu cao cấp hơn", ông William Li, nhà sáng lập của NIO, startup Trung Quốc vừa ra mắt dòng SUV chạy điện ES8 cạnh tranh với Tesla Model X chia sẻ với tờ Bloomberg. Trước đó, họ đã chứng tỏ được tiềm năng của mình và kêu gọi được nguồn đầu tư lên tới hơn 1 tỉ USD. "Chúng tôi có thể ‘chuyển làn’ và dẫn đầu trong phân khúc mới", ông nói thêm.
Trong khi các tập đoàn hàng đầu thế giới như Volkswagen và Toyota vẫn đang hoàn tất chiến lược phát triển xe điện của mình tại Trung Quốc, NIO đã nhanh tay giới thiệu chiếc ES8 với các thông số rất ấn tượng trong đó có việc đi được 500 km mỗi lần sạc trong khi giá khởi điểm chỉ bằng một nửa so với mức giá 127.000 USD của Tesla Model X – 67.830 USD.
Cũng phải nói thêm một điều, NIO có khả năng cao hơn hẳn các startup khác của Trung Quốc với sự trợ giúp tài chính tới từ nhiều tên tuổi lớn, trong đó có Tencent, Baillie Gifford hay Sequoia Capital.
Kể từ năm 2015, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ trở thành thị trường có doanh số xe điện cao nhất toàn cầu. Con số trong năm 2017 có thể lên tới 700.000 xe và sẽ sớm chạm mốc 1 triệu xe/năm, có thể ngay từ 2018. Khoảng cách giữa họ với các quốc gia xếp sau sẽ chỉ tăng chứ không giảm theo đà tăng trưởng hiện tại. Đáng nói hơn, hầu hết số xe trên tới từ các thương hiệu Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng đã đặt mục tiêu bán 7 triệu EV hàng năm bắt đầu từ 2025 với nhiều biện pháp thúc đẩy như giảm trợ cấp và thắt chặt quy định kiểm soát xe chạy động cơ đốt trong truyền thống.
Trong giai đoạn 7 năm từ 2009 – 2015, chính phủ Trung Quốc đã bỏ ra gần 9 tỉ USD trợ giá xe điện. Con số trong 2 năm 2016 – 2017 thậm chí còn cao hơn, dự tính đạt khoảng 12,6 tỉ USD, theo ông Cui Dongshu, Tổng Thư ký Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc chia sẻ với Bloomberg. Để tăng nhu cầu mua xe, nước này đã thực hiện giảm thuế 10% dành riêng cho EV, kéo dài từ nay tới 2020. Theo như lời ông Kai Johan Jiang, Chủ tịch của National EV Sweden – tập đoàn đã mua lại thương hiệu Saab vào năm 2012 và đang nhăm nhe "tham chiến" vào lĩnh vực xe điện tại Trung Quốc, thì "đây là thời điểm không thể tốt hơn để đặt chân vào lĩnh vực EV".
Một thay đổi lớn khác cũng chuẩn bị diễn ra tại đây. Từ năm 2019, các hãng xe sẽ buộc phải bán ra một lượng xe chạy nhiên liệu thay thế nhất định nếu muốn bán xe xăng/dầu truyền thống. Cụ thể, mỗi thương hiệu xe bán ra hoặc nhập khẩu từ 30.000 xe trở lên tại quốc gia này phải đạt một số điểm tín dung xanh nhất định tương đương 10% tổng số điểm của họ. Mỗi dòng xe xanh sẽ có một số điểm nhất định (xe điện thuần đạt mốc cao nhất trong khi hybrid, hybrid sạc điện hoặc xe chạy nhiên liệu hydro thấp hơn một chút). Những hãng xe không đạt đủ chỉ tiêu sẽ phải mua lại số điểm tín dụng thừa từ các hãng xe khác hoặc chịu phạt. Tới năm 2020, mức này sẽ tăng lên 12%.
"Với phân khúc xe điện, mọi thương hiệu đều bình đằng. Chúng ta sẽ sớm nhận thấy sự cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều", ông Wolfgang Bernhart, đối tác cấp cao của Công ty tư vấn chiến lược Roland Berger, Munich nhận định trên Bloomberg.
Giám đốc điều hành một hãng cung ứng là Schaeffler, Đức, ông Klaus Rosenfield cũng chia sẻ với Bloomberg khả năng các thương hiệu Trung Quốc hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn quốc tế lớn ngay tại sân chơi khu vực: "Tham vọng bán xe tại các thị trường quốc tế của Trung Quốc đã quá rõ ràng. Trước đó, họ nhận thấy rằng việc cạnh tranh lại ở mảng xe động cơ đốt trong là không thể, nhưng giờ với sự chuyển đổi sang xe điện, cơ hội của họ đã xuất hiện".
Theo: TTVN