Thể Thao 247 - Bị kẻ điên đập vỡ cửa kính ô tô và đánh trọng thương. Ai sẽ là người bồi thường cho tài xế? Cùng tham khảo những tư vấn từ luật sư.
Chiều 15-5-2018, vào khoảng gần 17 giờ, tại khu vực cầu vượt Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) xảy ra một vụ việc khá nghiêm trọng, khi một đối tượng nam được xác định bị bệnh tâm thần dùng gạch ném vỡ cửa kính cạnh ghế lái và phía sau của ô tô, rồi đánh lái xe bị thương khá nặng.
Lực lượng công an phường Trung Hòa (Cầu Giấy) đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, đưa các bên liên quan về trụ sở để giải quyết. Sau khi điều tra, cảnh sát cho biết người đàn ông gây ra sự việc trên có biểu hiện bị bệnh tâm thần.
Sau sự việc này, nhiều người đặt câu hỏi: Ai sẽ bồi thường cho nạn nhân, khi thủ phạm là… người bị tâm thần?
Cùng tham khảo một số thông tin từ luật sư để hiểu rõ hơn cũng như trang bị thêm kiến thức cho chính mình trong những tình huống bất ngờ khi tham gia giao thông.
Dưới đây một số chia sẻ từ luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Hà Nội:
Luật sư Trương Anh Tú cho biết, Điều 21 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Khoản 2 điều 49 bộ luật này cũng quy định: “2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Từ đó, luật sư cũng cho rằng: Người bị bệnh tâm thần thuộc trường hợp người không có năng lực trách nhiệm dân sự được loại trừ trách nhiệm hình sự. Do đó, khi người tâm thần thực hiện hành vi xâm phạm đến thân thể, tài sản của bị hại, vì họ không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình tại thời điểm thực hiện hành vi nên người tâm thần sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trách nhiệm dân sự về việc bồi thường thiệt hại khi người tâm thần gây ra hậu quả cho người bị hại được xử lý theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS), cụ thể tại khoản 3 Điều 586 BLDS 2015: “Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”.
Như vậy, theo các quy định trên, khi người tâm thần mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người bị hại thì người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự (người giám hộ của người tâm thần) có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại.
Hiện nay, người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự được quy định tại mục 4 chương 3 của BLDS 2015. Theo đó, trong trường hợp không có người giám hộ theo quy định của pháp luật, bao gồm cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện để làm giám hộ thì người bị hại có quyền yêu cầu người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
“Trường hợp nếu chồng là người mất năng lực hành vi thì vợ là người giám hộ…; trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ” (khoản 1, khoản 3 Điều 53 BLDS 2015).
Trong trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên thì UBND cấp xã nơi cư trú của người giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ theo quy định.
Trong trường hợp người mất năng lực hành vi gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra nếu không chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý người tâm thần (khoản 2 Điều 599 BLDS 2015).
Như vậy, người bị hại có thể căn cứ vào những quy định đó để chọn hướng giải quyết cho gia đình mình.
Ngoài ra, luật sư Trương Anh Tú cũng nhấn mạnh rằng: Mặc dù người tâm thần thuộc diện không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng cần báo cho cơ quan công an để họ lập thủ tục bắt buộc chữa bệnh. Vì người này đã gây thiệt hại về tài sản và thương tích cho người bị hại, đây là hành vi phạm tội nên bất kỳ ai cũng có quyền báo tố giác với cơ quan công an để vụ việc được khẩn trương giải quyết theo quy định. Người này đi chữa bệnh theo quyết định của cơ quan điều tra nên cơ quan này có trách nhiệm giám sát việc thực hiện quyết định. Bên cạnh đó, người giám hộ và chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm trong việc trông nom, giám sát đối tượng, tránh để người bệnh tiếp tục gây án.
Theo An ninh Thủ Đô