Quảng cáo

Kỳ vọng thành tích sẽ "giết chết" U23 Việt Nam

Thế Trung Thế Trung
Thứ ba, 31/07/2018 10:05 AM (GMT+7)

Thể Thao 247 - Ngày 3/8 tới đây, ĐT Olympic Việt Nam sẽ tham dự giải giao hữu Tứ hùng và sau đó là ASIAD. Sau kỳ tích đạt được ở VCK U23 Châu Á, kỳ vọng ở hai giải đấu này sẽ là rất lớn, và rất có thể sẽ phản tác dụng với những cầu thủ trẻ.

Trong buổi trả lời phỏng vấn trước buổi tập sáng 30/8, HLV Park Hang-seo đã tỏ ra đôi chút khó chịu khi có một phóng viên hỏi về mục tiêu của ĐT Olympic Việt Nam tại giải giao hữu Tứ hùng:

"Tôi mong mọi người hiểu và thông cảm cho chúng tôi. Giải giao hữu chỉ đơn giản là nằm trong quá trình chuẩn bị của đội tuyển. Ban huấn luyện cũng đã đặt ra mục tiêu cụ thể cho những trận đấu này, thậm chí là mục tiêu cho ASIAD. Nhưng thật sự những câu hỏi về thành tích như thế này khiến cá nhân tôi và các cầu thủ đều không cảm thấy thoải mái".

>>> Kết quả bốc thăm chia bảng ASIAD 2018

"Nhiệm vụ của tôi là giúp các cầu thủ có điểm rơi phong độ vào đúng thời điểm quan trọng. Chúng tôi cũng muốn chiến thắng trong các trận đấu, và chúng tôi đang chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, cầu thủ cũng có giới hạn của từng người", ông thầy người Hàn Quốc cho hay.

Park Hang-seo

Quả thực, thành tích ở một giải đấu giao hữu là thứ không bao giờ nên đưa vào những câu hỏi. Xét cho cùng, những trận đấu giao hữu cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều ngoài việc thử nghiệm đội hình, chiến thuật, các tính toán về nhân sự, đấu pháp,... Thêm nữa, nếu như may mắn mời được những đối thủ thật sự chất lượng thì cầu thủ sẽ có thêm cơ hội cọ sát, tích lũy kinh nghiệm, còn các HLV thì có thêm thông tin, đánh giá về những con người mình đang có trong tay.

Chắc hẳn, chúng ta vẫn còn nhớ chức vô địch lịch sử của thầy trò HLV Henrique Calisto tại AFF Cup năm 2008. Đó là những cầu thủ được coi là thế hệ vàng của bóng đá Việt với Công Vinh, Minh Phương, Vũ Phong hay Việt Thắng,... đều đang ở độ chín sự nghiệp. Nhưng trước đó, ít ai nhớ rằng cũng chính những con người này đã có chuỗi gần 10 trận giao hữu liên tiếp đều... thua. Dĩ nhiên, đội tuyển đã trở thành tâm điểm công kích của báo chí. Nhưng chẳng ai ngờ rằng, họ đang chỉ trích những người sẽ đưa họ (và hàng triệu người khác) trải qua giây phút ngọt ngào nhất khi lá cờ Việt Nam tung bay trên đỉnh cao bóng đá Đông Nam Á.

U23

Hay giải đấu ở Thường Châu mới đây, sự chú ý dành cho ĐT U23 Việt Nam cũng chỉ đến khi họ có cơ hội vượt qua vòng bảng. Và như chúng ta đều biết, sự thoải mái về tinh thần đã giúp Việt Nam đi vào lịch sử khi lần đầu tiên có được ngôi Á quân ở VCK U23 Châu Á.

Thua giao hữu rồi làm nên chuyện tại giải lớn thì hiếm hoi, còn thắng giao hữu rồi thất bại khi vào giải lại rất nhiều. Nhiều đến mức nó đã trở thành một nỗi ám ảnh với nhiều người hâm mộ bóng đá Việt. Mới đây nhất chính là thất bại ê chề của U22 Việt Nam tại Seagames 29. Người ta đã kỳ vọng quá nhiều vào Công Phượng, vào Xuân Trường, Tuấn Anh mà quên mất rằng đó vẫn chỉ là những cầu thủ trẻ. Tâm lý chưa vững, cũng chưa trải qua nhiều kinh nghiệm trận mạc, sức ép quá lớn đến từ người hâm mộ chẳng khác nào những quả tạ đeo vào chân những chàng trai tuổi đời mới đôi mươi.

>>> Xem U23 Việt Nam đá giải tứ hùng ở đâu?

Nói như vậy để thấy giải Tứ hùng sắp tới với các đối thủ Oman, Palestine và Uzbekistan dù kết quả ra sao thì cũng chỉ là kết quả của một giải giao hữu. Chúng ta có thể tính toán xa hơn ở AFF Cup vào cuối năm, còn ngay cả với giải đấu mang tầm châu lục như ASIAD thì mục tiêu mà HLV Park Hang-seo đề ra cũng chỉ là "vượt qua vòng bảng với vị trí thứ hai". Dù sao, bước vào giải với tư cách một đội bóng ở Đông Nam Á vẫn dễ chịu hơn là tư cách của "á quân U23 Châu Á".

Không tìm thấy trận đấu nào.

Tin liên quan