Thể Thao 247 - Sự việc Khá “bảnh” quay clip đập và đốt chiếc tay ga và nói sẽ dùng xe điện đang gây phẫn nộ cộng đồng mạng, liệu hành động này có bị xử lý?
Mới đây, Ngô Bá Khá (Khá "Bảnh") một hiện tượng mạng mới nổi đã thực hiện clip đập và tưới xăng tươi lên đốt chiếc tay ga đắt tiền và nói sẽ chuyển sang dùng xe điện cho đỡ tốn xăng. Clip nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và nhận được không ít ý kiến trái triều về hành vi nguy hiểm này.
Trao đổi với thethao247, Ths. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VPLS Chính Pháp) cho biết: Theo quy định của pháp luật dân sự thì cá nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nên họ có toàn quyền đối với tài sản do mình sở hữu. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc thực hiện quyền đối với tài sản được thực hiện trong hoàn cảnh nào, ở đâu và có làm ảnh hưởng đến người khác không.
Nếu cá nhân tự đập phá, phá hủy phương tiện giao thông của mình mà không làm ảnh hưởng đến người khác, không làm ảnh hưởng đến trật tự chung thì hành vi đó là quyền của cá nhân và không bị hạn chế hay áp dụng chế tài xử phạt nào.
Tuy nhiên nếu phương tiện giao thông đó là xe đi thuê, đi mượn hoặc là tài sản của gia đình, tài sản chung vợ chồng, tài sản chung với người khác thì người tự phá hủy có thể bị truy tố, xét xử về tội Hủy hoại hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178 BLHS 2015 sửa đổi 2017 nếu có đủ căn cứ cấu thành tội phạm.
Nếu việc đập phá hủy hoại tài sản đó làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng thì có thể bị xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 BLHS 2015.
Còn đối với doanh nghiệp, về chiến dịch đập xe máy đổi xe điện thì theo tôi khi đề ra một chiến dịch nào đó để kinh doanh, phát triển thương hiệu, doanh nghiệp nên có những sự cân nhắc. Bởi đã là chiến dịch thì nó có ảnh hưởng đến một cộng đồng nhất định, có tính định hướng, đặc biệt là với giới trẻ. Nếu một chiến dịch mà gây ra phản ứng trái chiều hoặc có thông điệp phản cảm thì sẽ là “con dao hai lưỡi”, phản tác dụng. Với chiến dịch đập xe máy, cổ vũ cho việc hủy hoại tài sản theo tôi là không nên.
Hiện tại với các thông tin ban đầu thì cũng chưa khẳng định được là doanh nghiệp PEGA có sự vi phạm nào không. Tôi chỉ đưa ra các trường hợp vi phạm có thể xảy ra như sau:
Dưới góc độ pháp lý, nếu hành vi quay video đập xe tay ga và kêu gọi đổi xe điện của Khá “bảnh” là do cá nhân này tự thực hiện đối với chiếc xe sở hữu của mình, là hành vi muốn thể hiện mình của cá nhân đó thì đó là quyền cá nhân của anh ta. Tuy nhiên nếu hành vi đó không phải là do cá nhân này tự thực hiện mà được thực hiện do sự chỉ đạo của PEGA, là chiêu trò của hãng xe PEGA nhằm quảng cáo cho sản phẩm xe điện của hãng xe này thì hành vi này có thể được xem xét là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 điều 45 Luật Cạnh tranh 2004 thì Doanh nghiệp bị cấm thực hiện hoạt động quảng cáo so sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác. Căn cứ điểm a khoản 1 điều 33 Nghị định 71/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh thì hành vi này có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đến 80.000.000 đồng.
Nếu chiến dịch này của PEGA chỉ là tặng xe điện cho khách hàng dùng thử thì đây là quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu PEGA có thực hiện việc tặng xe mới của PEGA để khách hàng dùng thử nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi xe cùng loại do doanh nghiệp khác sản xuất mà khách hàng đó đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình thì có thể được xác định là hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh.
Theo đó khoản 4 điều 46 Luật Cạnh tranh 2004 quy định cấm doanh nghiệp thực hiện hoạt động khuyến mãi tặng hàng hoá cho khách hàng dùng thử nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi hàng hoá cùng loại do doanh nghiệp khác sản xuất mà khách hàng đó đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình. Căn cứ điểm d khoản 1 điều 34 Nghị định 71/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh thì hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đến 80.000.000 đồng.