Tình trạng các phương tiện ô tô cố tình chiếm làn trái nhưng di chuyển chậm, không nhường đường dù đã có tín hiệu xin vượt, đang gây bức xúc trên nhiều tuyến đường.
Thời gian gần đây, trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội, vấn đề các phương tiện ô tô cố tình di chuyển chậm ở làn trái đang trở thành chủ đề "nóng", thu hút sự chú ý và phản ứng dữ dội từ cộng đồng tài xế.
Thực tế cho thấy, trên nhiều tuyến đường hỗn hợp cho phép cả ô tô và xe máy cùng lưu thông, tình trạng xe tải, xe con ngang nhiên "ôm" làn trái dù chỉ chạy với tốc độ bằng hoặc thậm chí thấp hơn tốc độ tối đa của làn phải không còn là chuyện hiếm gặp.
Điều đáng nói là dù xe phía sau đã chủ động phát tín hiệu xin vượt, những chiếc xe chạy chậm này vẫn không có ý định nhường đường.
Trong khi đó, việc các tài xế sau tự chuyển sang làn phải để vượt là một hành động mạo hiểm, bởi họ có nguy cơ vi phạm quy định về tốc độ nếu vượt quá giới hạn cho phép của làn này. Còn nếu không vượt, họ buộc phải bám đuôi, đi theo với tốc độ thấp hơn mong muốn, dẫn đến ức chế và ảnh hưởng đến toàn bộ luồng giao thông phía sau.

Một ví dụ điển hình là tuyến Hà Nội - Bắc Giang, tuyến đường có hai làn ô tô với tốc độ giới hạn khác nhau: làn trái tối đa 90 km/h, làn phải tối đa 70 km/h.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Nguyễn Trọng Hạnh, một tài xế thường xuyên qua lại trên tuyến này, tình trạng xe tải, xe con chạy chậm chiếm làn trái diễn ra gần như hàng ngày.
"Gần như lần nào đi qua mình cũng gặp xe tải, xe con chiếm làn trái chạy rất chậm, xin vượt kiểu gì cũng không được. Nếu mình sang làn phải để vượt xe thì dễ vi phạm tốc độ, anh em nào từng đi qua tuyến này chắc chắn cũng gặp trường hợp tương tự", anh Hạnh bức xúc nói.
Không chỉ riêng tuyến Hà Nội - Bắc Giang, mà nhiều tuyến đường khác như Hưng Yên - Thái Bình hay các trục đường quốc lộ lớn đều ghi nhận tình trạng tương tự. Đây không còn là những hiện tượng cá biệt mà đã trở thành một thói quen xấu của một bộ phận tài xế thiếu ý thức.
Theo ghi nhận của nhiều người tham gia giao thông, nguyên nhân dẫn đến hành vi chiếm làn trái nhưng chạy chậm có thể do sự thiếu tập trung, thiếu hiểu biết hoặc đơn giản là... cố tình.
Anh Trần Trung, một tài xế tại Hà Nội, chia sẻ anh từng nhiều lần vượt được những chiếc xe "trây ì" này và phát hiện tài xế bên trong đang mải dùng điện thoại hoặc trò chuyện, hoàn toàn không chú ý gương chiếu hậu hay tín hiệu giao thông.
"Họ vô tình biến làn đường đáng lẽ dành cho xe chạy nhanh thành "tắc nghẽn", làm chậm cả đoàn xe phía sau", anh Trung nói.

Không ít trường hợp tài xế cố tình không nhường vì cảm thấy khó chịu khi bị xe sau nháy đèn xin vượt, thậm chí có người còn cố tình giảm tốc độ như một cách thể hiện thái độ.Điều này cho thấy một vấn đề đáng lo ngại về ý thức văn hóa giao thông của một bộ phận không nhỏ tài xế hiện nay.
Cũng có những tài xế, đặc biệt là xe tải, đưa ra lý do mang tính thực tiễn để biện minh. Một tài xế tên Văn Hùng chia sẻ rằng việc đi làn trái giúp xe tải không phải chuyển làn nhiều lần, từ đó giữ tốc độ ổn định và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Anh cũng cho biết nếu đi làn phải, xe tải thường sát làn xe máy - điều này rất nguy hiểm bởi tầm quan sát bị hạn chế và dễ xảy ra va chạm.
Tuy nhiên, phần lớn ý kiến từ giới tài xế và chuyên gia giao thông đều không đồng tình với quan điểm này, vì xét cho cùng, chiếm làn trái để di chuyển chậm vẫn là hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến luồng giao thông chung.

Về mặt pháp lý, Luật Giao thông đường bộ năm 2024 đã quy định rõ ràng tại Điều 13 rằng khi có xe xin vượt, người điều khiển phương tiện phía trước phải tạo điều kiện cho xe sau vượt nếu đảm bảo an toàn, trong đó bao gồm việc giảm tốc độ, đi sát vào làn phải và không được gây cản trở.
Đồng thời, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, hành vi chạy dưới tốc độ tối thiểu hoặc chạy chậm nhưng không đi về làn phải có thể bị phạt từ 800.000 đến 1.000.000 đồng.
Dù vậy, mức xử phạt này vẫn bị đánh giá là quá nhẹ so với hệ quả mà hành vi gây ra. Hơn nữa, thực tế cho thấy việc xử lý vi phạm đối với các tài xế không nhường đường cho xe xin vượt vẫn còn khá hạn chế. Chính sự lỏng lẻo trong thực thi khiến cho hành vi này tiếp tục diễn ra mà không gặp nhiều rào cản.
Nhiều chuyên gia giao thông nhận định rằng để cải thiện tình hình, không chỉ cần tăng cường tuyên truyền mà còn phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn. Một trong những giải pháp đang được đề xuất là đẩy mạnh áp dụng phạt nguội thông qua hệ thống camera giám sát.
Việc ghi nhận, xử lý các phương tiện cố tình bám làn trái và không nhường đường dù điều kiện vượt đã đảm bảo an toàn được xem là cần thiết để răn đe và thay đổi hành vi lái xe.

Chỉ khi người tham gia giao thông nhận thức rõ được vai trò của mình trong việc đảm bảo sự thông suốt và an toàn chung, kết hợp với chế tài đủ mạnh từ phía lực lượng chức năng, thì tình trạng “xe rùa ôm làn trái” mới có thể từng bước được cải thiện.