Sau hơn 2 tuần tranh tài sôi nổi, có thể nói rằng SEA Games 32 đã diễn ra rất thành công và cũng để lại đó những dấu ấn nhất định.
Một kỳ SEA Games…miễn phí
SEA Games 32 là lần đầu tiên Campuchia làm chủ nhà cho một kỳ đại hội thể thao, họ đã đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng để đảm bảo điều kiện thi đấu, và để tạo một ấn tượng khó phai đối với các nước tham dự, Campuchia đã không thu tiền ăn uống và chỗ nghỉ cho tất cả các đoàn thể thao dự SEA Games 32 (theo quy định là mức phí 50 USD/người/ngày).
NHM cũng có thể xem miễn phí tất cả các sự kiện tại SEA Games 32 (lễ khai mạc, bế mạc, các cuộc thi đấu) và các hãng thông tấn đều được khai thác miễn phí bản quyền truyền hình sự kiện này.
Đây là một điều chưa từng xảy ra ở các kỳ SEA Games trước đó. Có lẽ ngoài việc quảng bá đất nước nói chung, Campuchia mong muốn các đoàn thể thao đến dự Đại hội cảm nhận được sự đón tiếp nhiệt tình, chu đáo của nước chủ nhà, qua đó góp phần cho sự thành công của kỳ Đại hội lần này.
Hình ảnh đẹp từ các VĐV
Sau nhiều ngày thi đấu ở những bộ môn khác nhau, các VĐV từ các nước tham dự cũng để lại những hình ảnh rất đẹp.
VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh bằng nghị lực và quyết tâm cao đã giành cú đúp HCV ở nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ trong vòng 30 phút và VĐV Việt Nam chỉ có đúng 16 phút nghỉ giữa 2 phần thi.
Thành tích của Nguyễn Thị Oanh là chưa từng có trong lịch sử điền kinh thế giới, cô đã nhận được sự ngưỡng mộ từ cả Đông Nam Á cũng như bạn bè quốc tế
Hình ảnh VĐV Campuchia Bou Samnang không bỏ cuộc, vừa chạy về đích vừa khóc trong cơn mưa tầm tã cũng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều NHM. Bou Samnang đã nhận được sự tán thưởng của tất cả người hâm mộ.
Sau đó, đích thân Thủ tướng Campuchia - ông Hun Sen đã thưởng 10.000 USD cho nữ vận động viên vì tinh thần và sự kiên trì của cô gái trẻ.
Ngoài những sự nỗ lực, tinh thần quyết tâm phi thường, các VĐV cũng thể hiện một tinh thần thể thao đẹp đẽ. Khi đang thi đấu ở nội dung 10,000m, VĐV của Indonesia, Elvina Naibaho gây ấn tượng bằng cử chỉ đẹp với Nguyễn Thị Oanh và Phạm Thị Hồng Lệ khi liên tục đưa nước cho các VĐV của Việt Nam.
Đưa nước cho NTOanh, Đông Timor đến với SEA Games với mục đích thi đấu cọ xát và lấy kinh nghiệm. Đội tuyển Esports - Mobile Legend đã có hành động rất đẹp khi trao cho các tuyển thủ, HLV Philippines những chiếc khăn truyền thống của mình.
VĐV vật Ngô Thế Sao sau khi chiến thắng VĐV của Lào, Sihavong Dawson Stephen đã cùng nắm tay VĐV này chạy quanh khán đài, thể hiện một tinh thần thể thao cao thượng.
Những câu chuyện dở khóc, dở cười
Bên cạnh những ấn tượng đẹp, SEA Games 32 cũng để lại những câu chuyện dở khóc dở cười.
Võ sĩ Vovinam Bùi Thị Thảo giành HCV hạng cân 65kg sau khi thắng đối thủ Hergie Bacyadan (Philippines) nhờ…bốc thăm do không thể phân định thắng bại trong thời gian thi đấu chính thức.
Chủ nhà Campuchia không cho phép đội tuyển cầu lông của các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam tham gia vì sợ… quá mạnh và muốn tạo cơ hội cạnh tranh cho các nước chưa từng giành huy chương cầu lông tại SEA Games.
Đúng như mong muốn, chủ nhà Campuchia đã lần đầu tiên giành HCV cầu lông SEA Games sau khi vượt qua Myanmar với tỷ số 3-2
VĐV đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc sau khi giành tấm HCV đã phải lên nhận giải trong bối cảnh mất điện. BTC sau đó đã phải huy động một chiếc ô tô chiếu sáng cho lễ trao huy chương.
Ẩu đả giữa U22 Indonesia và U22 Thái Lan
Trận đấu chung kết giữa U22 Indonesia và U22 Thái Lan xứng đáng là trận chung kết hay nhất lịch sử SEA Games nhưng nó cũng để lại một ấn tượng không hay với màn ẩu đả, bạo lực giữa 2 đội.
Sau khi U22 Indonesia nâng tỷ số lên 3-2. Một vụ ẩu đả nổ ra giữa cầu thủ và BHL 2 đội khiến trận đấu phải tạm dừng sau 10 phút. Đã có tới 7 thẻ đỏ, 14 thẻ vàng được rút ra trong trận đấu này.
Chắc chắn cả 2 đội sẽ nhận những án phạt nặng từ LBBĐ châu Á (AFC).