Quảng cáo

Dừng đăng cai Asiad 18 là hợp lòng dân

Thứ sáu, 18/04/2014 11:10 AM (GMT+7)

Đó là ý kiến của hầu hết các chuyên gia trong nước, sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo Bộ VH,TT&DL chủ trì khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á để có phương án phù hợp rút đăng cai Asiad 18.

 

ASIAD 18 , ASIAD 2019 , Việt Nam ASIAD 18 , VN không đăng cai ASIAD 18 , Thể thao Việt Nam ,
Các chuyên gia ủng hộ việc rút đăng cai Asiad 18



Chiều qua (17/4), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VH, TT&DL chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức Asiad 18 tại Hà Nội. Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức Asiad vào thời điểm thích hợp.

Các chuyên gia trong nước, trong đó có cả những cựu quan chức ngành thể thao, đã thể hiện sự ủng hộ của mình trước một quyết định hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt của Chính phủ.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, trưởng đoàn thể thao Việt Nam nhiều kỳ SEA Games, Asiad, nói: “Cảm giác của tôi vui nhiều hơn là buồn. Buồn vì chúng ta mất cơ hội để Việt Nam nâng tầm nền thể thao, các VĐV được tranh tài Asiad trên sân nhà của mình. Tuy nhiên, việc dừng Asiad lại là rất đúng đắng và sáng suốt. Tôi rất vui khi hay tin Thủ tướng có quyết định rút đăng cai Asiad 2018. Quyết định của Thủ tướng rất hợp với ý muốn của đa số nhân dân cả nước. Tôi nghĩ ở thời điểm này chúng ta chưa đủ lực để có thể tổ chức Asiad, mà phải chờ thêm ít nhất là 1 kỳ Asiad nữa. Khi kinh tế phục hồi, thể thao Việt Nam phát triển đủ sức cạnh tranh huy chương với các đối thủ mạnh, chúng ta đăng cai Asiad cũng chưa muộn”.

Cũng theo ông Minh, con số 150 triệu USD mà Bộ VH, TT&DL đưa ra là không đúng thực tế. Khoản tiền đó mới chỉ là xây dựng và tu sửa các địa điểm thi đấu, trong khi để chuẩn bị cho Asiad còn rất nhiều hạng mục khác. Nếu không tính hết các khoản này, chúng ta sẽ gặp rắc rối hậu Asiad.

“Theo tính toán của tôi số tiền Việt Nam bỏ ra phải gấp 3 lần mới đủ. Chưa có nước nào tổ chức tiết kiệm được như vậy và cũng gần như chưa có nước nào không bị đội giá. Tôi lo ngại là trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, việc đăng cai Asiad vốn tốn kém nhiều sẽ mang đến rủi ro”, ông Minh cho biết.

Còn về vấn đề chuẩn bị lực lượng như HLV, VĐV, trọng tài…đến thời điểm này, ngành thể thao chưa xin được Chính phủ một chương trình đào tạo VĐV, tạo ra một thế hệ mới đủ sức tranh tài tại Asiad. Hầu hết các tài năng thể thao hiện tại sau 5-6 năm nữa đều đã hết thời, trong khi đó những nhân tố trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mục đích tổ chức Asiad không chỉ nâng cao vị thế, mà còn là cơ hội cho VĐV nước nhà phát triển, nhưng để có một lực lượng vừa đông vừa mạnh, thực sự là bài toán khó.

Ông Dương Nghiệp Chí, nguyên Viện trưởng Viện KH TDTT, cũng có chung quan điểm với ông Nguyễn Hồng Minh. Ông Chí nhấn mạnh: “Tôi cho rằng việc ngừng đăng cai Asiad là hợp lý. Tôi là một trong những người phản đối Việt Nam chạy đua đăng cai, vì đây không phải là thời điểm thích hợp để chúng ta tổ chức một đại hội lớn như vậy. Thế nhưng sau khi chúng ta giành được quyền đăng cai rồi, tôi nghĩ rằng mình đã ngồi trên lưng hổ, nên đành phải cố theo. Quan trọng là tổ chức như thế nào cho hiệu quả và đỡ tốn kém.

Nhưng giờ thì Việt Nam sẽ xin rút. Rút lui để chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn về mọi mặt. Tôi cho rằng cơ hội để Việt Nam đăng cai Asiad vẫn còn, với điều kiện là chúng ta phải thật sự sẵn sàng. Điều này buộc ngành thể thao phải có một chiến lược mang tính dài hơi”.

Trong khi đó, chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải lại có một chút luyến tiếc với Asiad 18: "Tôi cảm thấy một chút tiếc nuối vì không thể theo dõi Asiad tổ chức trên đất nước mình. Nhưng dù sao, quyết định dừng đăng cai theo tôi là một quyết định chính xác. Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn như hiện nay, việc tổ chức một kì Á vận hội tốn kém là chưa nên làm".

 

Không tìm thấy trận đấu nào.

Author Thethao247.vn /
Tin liên quan